399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Kỳ trước, bạn đọc đã phần nào hiểu một khía cạnh của việc buôn bán quần áo trên mạng internet của các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc người bán với tư cách cá nhân đơn thuần. Bên cạnh thu nhập như trong mơ của một bộ phận không nhỏ người lao động Việt ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những chiêu thức câu kéo khách tinh ranh, công việc này cũng đầy rẫy nhưng hiểm nguy khôn lường.
Đó là những mối hiểm nguy ẩn dật đằng sau việc thông tin cá nhân bị bại lộ, mối nguy hiểm đến từ những dịch vụ chuyển hàng (ship) mà địa chỉ và thông tin người mua quá mông lung. Đáng sợ hơn, hệ lụy của nó còn đe dọa cả những người thân của những nhân vật chính. Trong kỳ này, người viết mời độc giả tìm hiểu về những hiểm họa núp bóng sau các shop thời trang online.
1. Lộ thông tin cá nhân, những chuyện gây hoang mang
Lộ thông tin cá nhân là nguyên nhân sâu xa lẫn trực tiếp của những mối nguy hiểm, đe dọa cuộc sống của rất nhiều người trong cuộc. Sau một thời gian tìm hiểu về lĩnh vực buôn bán quần áo lẻ trên mạng, xin chia sẻ với độc giả những câu chuyện có thực về những "tai nạn" trong nghề. Đây thực sự là những bài học xương máu cho những ai đã, đang và muốn tham gia vào khu chợ ảo này.
Ngọc Anh sinh năm 1993, hiện là sinh viên của một trường khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội. Là con gái gốc Hà Thành lại đáng yêu, xinh xắn, thông minh, nhanh nhẹn, cô mau chóng tiếp cận với công việc bán quần áo trên facebook theo đúng mốt thời thượng của giới trẻ hiện nay.
Cô chủ xinh đẹp vốn dĩ có gương mặt khả ái cùng chiều cao tạm ổn, thân hình dong dỏng nên đương nhiên không hề tốn xu nào cho việc thuê/nhờ người mẫu. Ngọc Anh tự làm người mẫu cho cửa hàng của mình. Mỗi khi có đợt hàng về, Ngọc Anh luôn tự chụp ảnh bằng điện thoại thông minh rồi đăng tải lên facebook. Cùng với đó là số điện thoại và một số thông tin riêng tư khác.
Việc buôn bán vẫn diễn ra đều đều giúp cô có được khoản thu nhập rủng rỉnh cho việc ăn, học, mua sắm. Cho đến một ngày, Ngọc Anh cảm thấy những tiếng cười rúc rích cùng những ánh mắt rất lạ của đám sinh viên nam cùng trường đằng sau lưng mình. Cùng thời gian này, cô cũng hay bị làm phiền bởi những cuộc gọi rất kỳ cục. Tại đầu máy bên kia, những người đàn ông mà Ngọc Anh không hề biết liên tục buông lời chòng ghẹo, mời gọi, thậm chí là khinh khỉnh. Tất cả đều chung mục đích rủ cô bán tình và mặc cả giá.
Sau khi tìm hiểu, dò hỏi đám bạn, Ngọc Anh choáng váng khi biết, ảnh và số điện thoại của cô đã được kẻ nào đó đăng tải trên một số trang web sex. Lục tìm trong các trang web hẹn hò, mời gọi của giới gái bao thời công nghệ, cô sinh viên đứng tim khi thấy những tấm hình cô chụp để làm mẫu cho các kiểu áo quây, áo khoét ngực sâu hay các mẫu áo lửng hở bụng và quần short được đăng thành sê-ri. Cùng theo đó là một số thông tin khá chính xác về Ngọc Anh. Đáp trả từ những kẻ tìm kiếm bạn tình là vô số các bình luận nhạy cảm.
Mất một thời gian tương đối, Ngọc Anh mới lần ra được chủ của các trang web đen để năn nỉ xin hạ thông tin về mình. Cùng với đó, cô phải xóa tất cả các ảnh có mặt mình trong shop bán hàng. Ngọc Anh cũng phải thay số điện thoại và sử dụng nhiều sim để phân minh rạch ròi công việc cũng như đời sống riêng.
Nhắc lại tai họa này, Ngọc Anh vẫn nóng mặt. Cô kể, có nhiều hôm đang học cũng bị làm phiền, thậm chí là đang tay trong tay với bạn trai cũng có những gã thanh niên gọi điện rủ đi nhà nghỉ, hoặc gạ giá. May mắn cho Ngọc Anh, vì người yêu đã hiểu, thông cảm và cùng dốc sức giúp cô chặn đứng việc làm bỉ ổi này.
Cũng là hiểm họa từ việc lộ thông tin riêng tư, câu chuyện sắp nhắc đến dưới đây chắc chắn sẽ khiến không ít bậc phụ huynh giật mình. Chị Hạnh là quản lý kinh doanh của một công ty truyền thông, chị đã lập gia đình và có một bé trai ngoan ngoãn tên Kem. Mùa hè vừa qua, gia đình chị đã bị xáo trộn thực sự cũng bởi sở thích mua sắm online của chị Hạnh.
Mùa hè, con trai được nghỉ, chị khóa cửa đi làm và dặn con ở nhà ngoan ngoãn. Vì con trai được nghỉ lại là ngày hè nên chị rất thích mua đồ ăn, quần áo đồ chơi cho con. Nhiều lần chị đã đặt lệnh yêu cầu được chuyển đơn hàng về nhà. Nhận thấy hình thức này nhanh gọn tiện lợi cho công việc cũng như quỹ thời gian, chị Hạnh mua online từ cái quần đùi cho con đến cân hoa quả.
Một buổi chiều nọ, đang trong một cuộc họp quan trọng với đối tác chiến lược, thấy con trai cứ gọi điện liên tục. Chị bủn rủn chân tay khi nghe cu Kem nói có hai cô gái đến, bấm chuông tự nhận là nhân viên của một dịch vụ chăm sóc, kết bạn với trẻ em được mẹ thuê đến để chơi cùng.
Rất may con trai thông minh và nghe lời mẹ dặn. Cu cậu vặn vẹo hồi lâu, nào là hỏi hình dáng mẹ Kem như thế nào, mẹ Kem làm gì, bao nhiêu tuổi, số điện thoại, địa chỉ cơ quan ra sao? Kỳ lạ thay, hai người phụ nữ này đều trả lời đúng hết. Vẫn nghi ngờ, Kem bảo: "Hai cô chờ một chút, cháu gọi điện cho mẹ đã." Hai người phụ nữ vẫn đứng chờ ở ngoài song cửa sắt, chỉ đến khi nghe thấy Kem gọi điện kể với mẹ chuyện này, họ mới bỏ đi.
Nghe con mách, chị Hạnh thót tim lao ngay về nhà. Trên đường đi, chị băn khoăn là mình có bao giờ tham gia dịch vụ này đâu. Sau một hồi suy ngẫm, hóa ra 99% thông tin hai cô nắm được đều do chị để lại sau những lần mua bán hàng trên mạng.
Câu chuyện của mẹ con chị Hạnh thực sự là một bài học để những người tham gia mua sắm online rút kinh nghiệm cho bản thân.
Việc để lại số điện thoại, email, tài khoản facebook trên các shop mua sắm online cũng khiến nhiều người tiêu dùng bị làm phiền bởi vô số các dịch vụ mời chào tin nhắn, quảng cáo sản phẩm vô duyên và tràn lan. Không chỉ bị làm phiền, quấy nhiễu, nhiều đối tượng còn có những chiêu trò gian lận, trộm cắp, cướp giật hết sức tinh vi bài bản khác.
2. Máu, nước mắt trong khu chợ ảo
Thời gian gần đây, xã hội đang nóng lên với những vụ ăn trộm tiền trong tài khoản. Nạn bị "móc ví" khi tiền vẫn còn trong két ngân hàng mới xuất hiện nhưng đã khiến dư luận hoang mang, hoảng sợ. Những đạo chích online gây ra những sự vụ "nóng" đến mức chúng còn được mời lên phim. Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều bộ phim lên ánh hành vi suy đồi đạo đức này của một bộ phận thanh niên giỏi công nghệ nhưng lười lao động.
Đối tượng của những tên đạo chích thời @ này thường là những cá nhân để lộ tài khoản ngân hàng trên các kênh mua sắm hoặc tại các shop thời trang online. Nắm bắt được tài khoản, tên chi nhánh ngân hàng, tên chủ tài khoản, chúng sẽ thực hiện các hành vi bẻ khóa, bẻ mã để đánh các lệnh chuyển tiền, rút tiền.
Không ít các chủ shop thời trang với thói quen thông báo rộng rãi thông tin về tài khoản đã bị ăn trộm tiền. Và với hình thức này, người bị mất trộm chỉ biết mình đã bị móc túi khi có tin nhắn thông báo trên điện thoại. Nhiều người bán hàng đã phải khóc hết nước mắt khi mất trắng toàn bộ số tiền khách chuyển khoản đặt hàng mà không biết đâm đơn kiện cáo ai bởi thủ đoạn trộm cắp quá tinh vi.
Nhưng những vụ trộm online không thực sự đáng sợ bằng những vụ cướp đời thực. Buôn bán quần áo online không chỉ có lãi trăm triệu mỗi tháng mà ở một khía cạnh khác nhiều người bán hàng cũng phải trả giá bằng cả máu lẫn nước mắt.
Một câu chuyện từng khiến giới bán quần áo trên facebook khiếp sợ xảy ra vào giữa năm 2012. Chủ nhân của Melody****shop từng đụng độ đầu gấu trong một lần đi giao hàng. Cô nhận được đơn mua hàng khá sộp từ một khách mới. Chị khách này hẹn Melody****shop đến một địa chỉ tại khu Mai Động (Hà Nội) vào lúc 21h30 để xem, chọn size (kích cỡ) rồi lấy những cái ưng.
Sau một hồi vòng vèo tìm đường, chủ shop hơi lạnh gáy khi biết điểm hẹn gần ngay một bãi đất hoang vắng người qua lại. Qua một hồi gọi điện thông báo, khách hàng của cô lững thững đi đến. Nhưng kỳ lạ thay, mua váy áo và áo lót mà cô ta đi cùng với cả hai gã thanh niên cao lớn. Trong khi khách xem hàng, ướm thử lên người, hai người đàn ông đứng kế bên hút thuốc và cũng tuôn ra những từ ngữ rất khó nghe. Dưới ánh đèn lờ mờ, Melody***shop nhận thấy những hình xăm rồng phượng uốn lượn trên khắp người hai gã.
Sau khi chọn được đồ ưng, cô khách hàng bỗng nhiên đòi mặc cả giá. Chủ shop nói là hàng không mặc cả, nếu ưng thì miễn phí chuyển thôi. Cô khách vẫn tiếp tục kỳ kèo, chủ shop phản ứng rằng nếu không mua thì thôi. Đúng như linh tính, cô ả kia nổi đóa gằn giọng chửi bới, bất thình lình tát như trời giáng vào mặt người bán hàng. Đồng thời hất hàm cho hai gã giở trò côn đồ. Chúng vây quanh người bán hàng và yêu cầu cô bỏ hết tiền, điện thoại, chìa khóa xe và xe máy ở lại. Nếu dám phản kháng chúng sẽ cho cô "biết mùi đời".
Trước đám xã hội đen đông đảo và đáng sợ, người bán hàng chỉ còn biết ngoan ngoãn rút lui. Sau khi chúng hể hả cướp xe phóng đi, Melody***shop thất thểu, mếu máo tìm đường về. Những chia sẻ của cô về lần giao hàng bão táp đó mau chóng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Từ tai nạn của Medody, các shipper (người giao hàng) luôn dặn nhau nguyên tắc "3 không": không đêm khuya, không vắng vẻ và không phụ nữ (phụ nữ thường ít được lựa chọn cho công việc giao hàng).