Mạng làm giàu
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Văn hóa
  • Giữ lửa kinh doanh cách nào?

Giữ lửa kinh doanh cách nào?

Hàng loạt thông tin doanh nghiệp phá sản làm dao động không ít người. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp cố gắng duy trì lửa để mong có ngày được bừng sáng trở lại.

Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên Dù tinh thần "chiến đấu" trong nhiều doanh nghiệp đã suy giảm nhiều, nhưng cố gắng "thắng" lại cơn lao dốc, thổi hy vọng vào những giải pháp kinh doanh khả thi… là cách mà không ít doanh nghiệp lựa chọn, không chấp nhận đầu hàng số phận.

Công ty dược phẩm An Thiên Cũng có khi "mất lửa"

Dược phẩm An Thiên Ngồi trong một quán cà phê sang trọng ở TP.HCM, Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Công ty xây dựng và thiết kế nội thất ADT Decor ngán ngẩm than: "Sao dạo này tự nhiên hết hứng làm việc"! Hỏi lý do tại sao, anh nói: bất động sản trầm lắng, xây dựng cũng te tua, chủ đầu tư "hết máu", những doanh nghiệp như anh làm sao mà "sung" được?

Hỏi tiếp anh: Giám đốc doanh nghiệp còn "mất lửa" thì sao nhân viên có tinh thần để làm việc? Suy nghĩ một hồi, anh tự bạch, ngày xưa mới ra trường, trong tay chỉ có vài trăm ngàn đồng, Huy và một người bạn đã dám cùng nhau mở công ty, đi đấu thầu thi công thiết kế với các đơn vị lớn có bề dày kinh nghiệm lẫn tài lực, vậy mà vẫn không sợ. Bây giờ, gây dựng công ty sau hơn 10 năm, vốn liếng khá hơn, kinh nghiệm dày hơn nhưng lại thận trọng hơn, ít "khát" hơn. Huy tự nhìn nhận tinh thần dấn thân, khát khao cháy bỏng của những người sáng lập ADT Decor thủa ban đầu đã vơi đi nhiều.

Câu chuyện ở công ty truyền thông G. lại bi kịch ở chỗ không kiểm soát được thông tin nội bộ. Con số lỗ tính sơ sơ vào khoảng 15 tỉ đồng này không được thông tin chính thức nhưng lại vô tình "xì" ra từ vài người trong công ty khiến cho không khí chán chường bao trùm toàn công ty.

Thay đổi để thích ứng

 

Tuy bị cơn bão suy thoái càn quét, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp cố gắng "bơi khỏi vòng xoáy". Mới đây, Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) đang tích cực chuẩn bị hai phương án để huy động thêm khoảng 75 tỉ đồng. Theo ông Võ Trường Thành , Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, phương án đầu tiên là đàm phán với đối tác Hàn Quốc để bán cổ phiếu (CP) với mức giá khoảng 13.000 - 14.000 đồng/CP. Phương án thứ hai đã được cổ đông thông qua là phát hành cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu với giá thấp 5.000 đồng/CP. Phương án thứ hai được xem là dự phòng khi phương án thứ nhất không thành công. Có nghĩa là, TTF đặt mục tiêu phải huy động vốn cho bằng được trong năm nay nhằm giảm tỷ lệ vốn vay hiện nay xuống còn khoảng 60% tổng vốn lưu động.

Ông chủ Trường Thành giải thích, ngành chế biến sản xuất đồ gỗ cần vốn nhiều để nhập khẩu nguyên vật liệu, sau đó còn mất thêm thời gian chế biến và xuất khẩu mới thu được vốn quay về. Những năm qua, trong quá trình phát triển, TTF đã sử dụng nguồn vốn vay quá nhiều. Một khi lãi suất tăng cao thì hiệu quả kinh doanh của công ty sụt giảm mạnh là điều tất yếu. Vì vậy, HĐQT quyết tâm phải chủ động nguồn vốn, không lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay để làm gia tăng hiệu quả kinh doanh của công ty trong thời gian tới.

Tương tự, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cũng đang tiếp tục đàm phán với một đối tác nước ngoài để tìm nguồn vốn đầu tư dài hạn. Tổng giám đốc Cao Tiến Vị cho biết, khi đưa ra dự án đầu tư Nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 vào năm 2007, lãi suất vay ngân hàng chỉ ở mức 12%/năm (thậm chí, ông còn được hưởng mức hỗ trợ lãi suất cho đầu tư phát triển của nhà nước là 4%/năm). Thế nhưng ba năm sau, lãi suất mà công ty phải trả nhảy vọt lên 22%/năm và có thời điểm phải trả đến 24%/năm. Cơn "ác mộng" lãi suất khiến cho toàn bộ lợi nhuận của nhà máy đều chỉ dành cho việc trả lãi ngân hàng. Đồng thời, những khó khăn về vốn cũng khiến cho dự án kéo dài đến 5 năm so với kế hoạch ban đầu là 2 năm. Khó khăn chồng chất khó khăn. "Lúc khởi động dự án thì tỷ lệ vốn vay chiếm 60%, vốn tự có của doanh nghiệp là 40%. Thế nhưng đến nay, tỷ lệ vốn vay chiếm đến 75% và vốn tự có chỉ còn ở mức 25%. Điều này khiến chi phí tài chính của công ty luôn là con số khổng lồ và tôi suốt ngày ăn không ngon, ngủ không yên", ông Vị than thở. Công ty này đang cố gắng tìm đối tác mới để có thêm nguồn vốn dài hạn nhằm giảm tỷ lệ vay nợ của ngân hàng xuống còn mức khoảng 60%. Bên cạnh đó, Giấy Sài Gòn cũng tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, cân đối sản xuất với tỷ lệ tồn kho hợp lý, cắt giảm thêm hàng loạt chi phí khác… "Dù rất nản nhưng cũng không thể bó tay ngồi yên. Chúng tôi phải làm mọi cách để giữ vững thị phần và doanh số. Giữ được vậy mới có thể nói đến chuyện tương lai", ông Cao Tiến Vị nhấn mạnh.

Đầu tư để đón đầu cạnh tranh

Khác với tình trạng "thiếu máu" thường thấy ở nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này, Công ty Thép Việt - công ty mẹ của Công ty thép Pomina - chuẩn bị khai trương nhà máy thép Pomina 3 với công suất luyện 1 triệu tấn thép/năm (gấp đôi công suất nhà máy thép Pomina 2). Dự kiến đến cuối năm nay, công ty này sẽ tiếp tục khởi công xây dựng dây chuyền cán thép công suất 1 triệu tấn/năm tại nhà máy thép Pomina 3. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ nhà máy thép Pomina 3 là 300 triệu USD. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho rằng với ngành công nghiệp nặng, các doanh nghiệp muốn đủ sức cạnh tranh thì không bao giờ được phép dừng lại mà phải luôn luôn đầu tư. Bởi chỉ có đầu tư, mở rộng công suất của các nhà máy mới có thể áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nhất nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất và giảm giá thành. Ví dụ với công nghệ cũ, luyện 1 tấn thép bình quân sẽ mất 600 KWh điện, nhưng công nghệ mới tại nhà máy Pomina 3 chỉ phải mất 350 KWh.

Ông Thái tâm sự, nếu không mạnh dạn đầu tư, các doanh nghiệp sẽ bị đào thải trong thời gian tới vì sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Nhất là sau năm 2015, Hiệp định thương mại ASEAN +1 (Trung Quốc) có hiệu lực, doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn khi thép Trung Quốc nhập khẩu vào nhiều với mức thuế thấp. "Kinh doanh như bơi trên dòng nước ngược, nếu dừng lại hay không bơi tiếp thì có nghĩa là tự sát, ông Đỗ Duy Thái nói.

 

Dù thị trường đang cực kỳ suy giảm khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nhưng đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời Trang Việt đã mạnh dạn cơ cấu và thay đổi lại mô hình kinh doanh của mình. Công ty này đang tiến hành xây dựng những cửa hàng thời trang Ninomax Concept với diện tích lớn, thiết kế công phu để trưng bày sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Việc thay đổi trong thời điểm này được nhiều người cho là khá táo bạo. Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Phụng bảo lưu quan điểm, nếu không làm thì làm sao biết có thành công hay không? Nếu không có chiến lược, không phát triển theo xu hướng thế giới thì dù cho doanh nghiệp đang sống rất tốt rồi cũng sẽ chết khi thị trường ngày càng có sự tham gia của các đối thủ lớn đến từ nước ngoài.

Bình tĩnh và quyết đoán

Có thể nhiều doanh nghiệp đều biết chuyện trong thương trường không được phép dừng lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, câu chuyện tài chính vẫn là yếu tố quyết định đầu tiên nếu muốn thực hiện những thay đổi. Những ông chủ đang quyết định mở rộng đầu tư lúc này đều có chung một câu trả lời rằng không nên để doanh nghiệp "lình xình" hoài được; nếu dự án của doanh nghiệp đưa ra có tính khả thi thì sẽ thuyết phục được các cổ đông, đối tác và thậm chí sẽ có ngân hàng bỏ vốn ra cho doanh nghiệp thực hiện. Ông Robert Trần, CEO Công ty tư vấn Robenny cho biết, nhiều doanh nhân hỏi ông trong tình hình khó khăn, nên làm gì. Câu trả lời của ông là "không làm gì hết", chỉ nên giữ vững những gì mình đang có, làm cho tốt hơn, hiệu quả hơn. Phải "học từ khủng hoảng" rồi mới tính bước đi tiếp theo là gì. Thật ra, ông Trần cho rằng không phải các doanh nghiệp ngại khó mà là họ sợ nguồn vốn không cho phép. Muốn làm gì đi nữa thì chính các nhà quản lý trong công ty phải làm marketing nội bộ trước để nhân viên không bị "mất lửa".

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận xét, trong tình hình kinh tế hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự soi mình. Nếu doanh nghiệp yếu sẽ phải thu hẹp thị trường và giảm qui mô hoạt động, thậm chí có thể phải tính đến bài toán sáp nhập. Trong khi đó, những doanh nghiệp còn trụ được tìm mọi cách giữ doanh số và tranh thủ tái cấu trúc công ty để chờ cơ hội phát triển trở lại. Riêng đối với những doanh nghiệp mạnh, cần thiết phải tăng tốc các dự án để nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng. "Dù doanh nghiệp thuộc dạng nào cũng đều có lối ra. Điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm và tài năng của người lãnh đạo doanh nghiệp đó", ông Dương khẳng định.