Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7 - 8%/năm từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần nâng mức tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế lên hơn 1,5 lần |
Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức cho thấy, tốc độ gia tăng lực lượng lao động Việt Nam có thể giảm xuống chỉ còn 0,6%/năm trong một thập kỷ tới đây, tức là giảm 3/4 so với tốc độ gia tăng bình quân 2,8%/năm trong giai đoạn 2000 - 2010. Bên cạnh đó, Việt Nam khó có thể tiếp tục nâng cao tỷ trọng đóng góp của tăng trưởng năng suất cho tăng trưởng GDP như trước đây để bù đắp cho sự suy giảm tốc độ tăng lực lượng lao động. Như vậy, khả năng dẫn dắt của hai nhân tố này đối với quá trình tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế đang giảm đi. Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7 - 8%/năm từ nay đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra, Việt Nam cần nâng mức tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế lên hơn 1,5 lần, từ mức 4,1%/năm hiện nay lên 6,4%/năm.
Báo cáo của McKinsey chỉ ra rằng, nếu không đạt mức tăng năng suất lao động đó thì ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống còn 4,5 - 5%/năm. Sự chênh lệch này tưởng chừng không đáng kể, nhưng thực ra không phải vậy, bởi khi đó GDP của Việt Nam vào năm 2020 sẽ thấp hơn 30% so với giá trị có thể đạt được ứng với tốc độ tăng trưởng 7%/năm.
Để đạt được mức tăng năng suất lao động trong toàn ngành kinh tế như mong đợi và biến nó trở thành động lực trong tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của McKinsey chỉ ra bốn lĩnh vực then chốt mà những thay đổi lớn về chính sách có thể giúp Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế mới.
Trước tiên phải kể đến ổn định môi trường kinh tế vĩ mô với việc kiểm soát các rủi ro có tính hệ thống như việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng quá nóng (có thời điểm lên tới 33%/năm) vì song hành với sự tăng trưởng tín dụng thái quá này thường là sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu. Việt Nam cần áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn để phân loại nợ xấu, thực thi các quy định về sở hữu chéo và tăng cường hoạt động kiểm toán độc lập. Các rủi ro khác như khả năng xuất hiện một cuộc khủng hoảng thanh khoản khi thị trường huy động vốn của Việt Nam lệch hẳn sang tín dụng ngắn hạn do người gửi tiền coi tài khoản tiết kiệm như một hình thức giữ và đầu tư tiền trong ngắn hạn và rủi ro về trạng thái ngoại hối của Việt Nam cũng là những vấn đề cần được quan tâm phòng tránh.
Việt Nam cũng cần củng cố tác nhân nâng cao năng suất và tạo ra tăng trưởng, trong đó chú trọng chuyển dịch sang các hoạt động kinh tế có năng suất cao hơn, đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng cơ sở để hỗ trợ việc chuyển dịch này và cần thay thế lao động giá rẻ bằng các nguồn lợi thế so sánh mới. Việt Nam cũng có tiềm năng trở thành một trong mười điểm đến hàng đầu thế giới ở mảng dịch vụ thuê ngoài và ngoại biên. Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp và đầu tư có trọng điểm. Việc xác định được những khởi nguồn tăng trưởng mới để thay thế cho những nguồn đang trở nên cạn kiệt là yếu tố quan trọng. Do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế (khoảng 40% tổng sản lượng quốc gia), việc cải cách cơ cấu sở hữu và chính sách quản lý DNNN sẽ là một giải pháp thiết yếu, tương tự như sự cần thiết phải cải thiện hiệu quả sử dụng vốn trong quá trình hoạt động của DNNN. Ông Richard Dobbs, Giám đốc Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey khuyến cáo, cần tiếp tục đẩy mạnh năng lực hoạt động của DNNN, hạn chế các can thiệp chính trị. Theo ông, nếu 40% nền kinh tế vẫn ì ạch tăng chỉ ở mức 1% hoặc không tăng trưởng thì sẽ là một thách thức lớn dù các thành phần kinh tế khác có tăng trưởng mạnh đến mức nào.
Ngoài các yếu tố đó, thì việc nâng cao năng lực thực thi của Chính phủ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cũng rất quan trọng. "Sau 25 năm tăng trưởng mạnh và ổn định, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào một giai đoạn với nhiều thách thức hơn trước. Mặc dù nhiều yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn tỏ ra vững chắc, nhưng các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách thực sự cần một bước chuyển trong suy nghĩ và cách tiếp cận", ông Richard bình luận.